Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Ngọc 
Hậu Giang: Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh

Chiều 1/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống COVID-19 và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.

Tại Hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở chỉ huy, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tỉnh và các địa phương cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đạt được đa mục tiêu, là tỉnh có số ca mắc, số ca chuyển nặng, số ca tử vong thấp nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực vào năm 2021, xếp thứ 4 cả nước vào năm 2022, tạo nền tảng năm 2023 tăng trưởng cao, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Các đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với những tình huống dịch có thể xảy ra, đặc biệt là các dịch bệnh mới xuất hiện, kịp thời ngăn chặn không để xâm nhập vào tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, ngành tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những đối tượng chịu hậu quả, tác động của đại dịch.

Ngành Y tế chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và trên địa bàn; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, sau khi Bộ Y tế quyết định chuyển COVID -19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong mọi tình huống,... đồng thời chú ý nâng cao năng lực, bảo đảm chính sách cho đội ngũ cán bộ y tế.

Thành phố Hồ Chí Minh: Phối hợp ngăn chặn quảng cáo không đúng sự thật trong lĩnh vực y tế

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa cùng với các sở, ngành trên địa bàn phối hợp tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân. Theo đó, các sở, ngành sẽ cùng chung tay phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, qua công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, đơn vị gặp một số khó khăn, thách thức trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Các đối tượng này có xu hướng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi quảng cáo như: Tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (như: facebook, zalo, tiktok, youtube...) để thực hiện hành vi quảng cáo, giới thiệu việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, mua bán các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế. Một số cá nhân đăng tải các video clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám bệnh, chữa bệnh…

Trước tình hình trên, Sở Y tế phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an Thành phố (Phòng An ninh chính trị nội bộ - PA03 và Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PA05), Trung tâm Báo chí Thành phố đưa ra các giải pháp giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo của các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế; phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức có đăng tải nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế khi chưa được cấp phép hoặc quảng cáo không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các sở, ngành khác cũng tổ chức vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi vi phạm trên lĩnh vực y tế để người dân nâng cao ý thức phòng tránh, không sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Phương Thu 

Sở Y tế khuyến cáo người dân, khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có thể tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động. Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người dân cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Cần Thơ: Trang bị kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên công nhân

Tối 29/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ phối hợp với Quận đoàn Bình Thủy tổ chức chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân khu công nghiệp. Sự kiện hướng đến truyền thông cho nhóm đối tượng chính là thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân và cộng đồng nói chung các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong năm 2022 cả nước có trên 11.000 ca nhiễm HIV mới phát hiện, tập trung chủ yếu trong nhóm nam quan hệ đồng giới; dịch bệnh cũng có nhiều diễn biến phức tạp trong giới trẻ, học sinh - sinh viên và công nhân lao động. Nguyên nhân chủ yếu do các bạn chưa trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và áp dụng biện pháp để dự phòng lây nhiễm HIV.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ Trần Trường Chinh cho biết, tại Cần Thơ, tình hình lây nhiễm HIV đang diễn biến phức tạp với số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm tiếp tục tăng (từ 350 - 400 trường hợp trong một năm). Lũy tích số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được là 7.474 người, số tử vong 2.719 người.

Trong đó, số ca phát hiện được hàng năm qua đường quan hệ tình dục chiếm trên 95%, tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM); ngoài ra, thống kê của CDC cho thấy tỉ lệ công nhân lao động và người trẻ nhiễm HIV đang gia tăng. Thực trạng trên cho thấy cộng đồng MSM và cả công nhân lao động, thanh niên trên địa bàn hiện nay có kiến thức, thực hành về dự phòng lây nhiễm HIV rất hạn chế. Phần lớn, các đối tượng này chưa biết đến biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hữu hiệu như tư vấn xét nghiệm HIV, sử dụng PrEP và bao cao su.

Trước thực trạng trên, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS lần này nhằm nâng cao nhận thức về HIV cũng như giới thiệu và cung cấp các dịch vụ liên quan đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS như: tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm…

Tham gia chương trình, các thanh niên công nhân và lực lượng đoàn viên, thanh niên nói chung được thưởng thức các hoạt động văn nghệ, giao lưu và đố vui để bổ sung kiến thức đúng về phòng, chống HIV và các phương pháp bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm HIV. Hoạt động góp phần thiết thực cùng thành phố tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược chung của quốc gia./.

 
KT (tổng hợp)