Thời gian qua, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tăng cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện điều trị.
Gần 1.100 ca mắc, 1 ca tử vong
Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 7-4, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.100 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa). Số ca mắc SXH ở tất cả các địa phương đều tăng. Trong đó, TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh và Diên Khánh tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 số ca mắc toàn tỉnh. Cụ thể, Ninh Hòa 497 ca, Nha Trang 266 ca, Vạn Ninh 101 ca, Diên Khánh 71 ca. Có tổng số 76 ổ dịch được ghi nhận và xử lý, tập trung chủ yếu tại Ninh Hòa (32 ổ dịch), Nha Trang (30 ổ dịch), Cam Lâm (7 ổ dịch), các địa phương còn lại 1 - 2 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc SXH tăng 5,8 lần, số ổ dịch tăng hơn 25 lần, số ca tử vong tăng 1 ca. Năm nay, số ca mắc ở trẻ em và người lớn không có sự chênh lệch lớn, trong đó dưới 15 tuổi gần 560 ca, chiếm gần 52%, còn lại trên 15 tuổi.
|
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết |
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm, nhưng số ca mắc vẫn tăng cao. Nguyên nhân là do công tác giám sát phát hiện ca bệnh ở một số địa phương còn muộn, xử lý dịch không kịp thời, trong đó có một số người dân chủ quan, tự mua thuốc về nhà điều trị, gây khó khăn cho việc phát hiện sớm ca bệnh, xử lý các ổ dịch. Ngoài ra, qua các đợt giám sát của trung tâm tại các gia đình có người bệnh SXH, các vật dụng chứa nước trong nhà vẫn có lăng quăng. Điều này cho thấy, người dân vẫn còn lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các chiến dịch diệt lăng quăng do các địa phương tổ chức chưa hiệu quả, chủ yếu mang tính tuyên truyền; công tác truyền thông chưa phù hợp, nhiều người dân vẫn còn trữ nước nhưng không che đậy kín các thùng chứa nước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản. Bên cạnh đó, các thông tư, văn bản hướng dẫn về chi trả kinh phí cho công tác diệt lăng quăng hiện nay không có. Vì vậy, các địa phương rất lúng túng, khó khăn khi thực hiện chi trả công cho các nhóm, tổ diệt lăng quăng khi tổ chức các hoạt động xử lý dịch…
Gia tăng số ca nặng
3 tháng đầu năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám và điều trị cho gần 400 ca mắc SXH, trong đó hơn 220 ca phải nhập viện điều trị nội trú. Điều đáng nói, số ca cảnh báo và nặng chiếm 113 ca, có nhiều bệnh nhân được đưa vào viện muộn trong tình trạng sốc nặng.
Tại Khoa Hồi sức - Tích cực chống độc của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, có 4 bệnh nhân đang được điều trị, tất cả đều mắc SXH nặng. Trong đó, bệnh nhi B.M.K (8 tuổi, huyện Diên Khánh) bị nặng nhất. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở với biến chứng suy hô hấp. Bác sĩ Đỗ Duy Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện cho biết: “Chúng tôi phải cho bệnh nhân thở máy, truyền máu và các chế phẩm số lượng lớn cùng nhiều thủ tục can thiệp khác. Qua 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. So với trước dịch Covid-19, hiện nay, ca mắc SXH nhập viện có nhiều diễn biến phức tạp, biến chứng nhanh, số lượng ca nặng tăng”.
|
Nhiều ca nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà |
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nam Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ giường, phòng hồi sức để tiếp nhận các ca bệnh SXH nặng. Đồng thời, cử các bác sĩ đi bồi dưỡng thêm về kiến thức xử lý, cấp cứu, chẩn đoán các ca SXH nặng cho người lớn và trẻ em tại các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh; thường xuyên hội chẩn với tuyến trên khi gặp các ca SXH nặng. Ngoài ra, bệnh viện đã và đang tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân nặng, nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong”.
Bệnh SXH thường xảy ra nhiều vào tháng 3, 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân béo phì, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền cần đặc biệt cẩn thận khi mắc SXH, vì đây là nhóm đối tượng dễ trở nặng nhất khi nhiễm bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị sốc nặng, gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH hiệu quả, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường truyền thông, ra quân diệt lăng quăng tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao hàng tuần, hàng tháng. Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch triệt để; khuyến cáo phòng khám tư nhân lưu ý bệnh nhân SXH trong mùa dịch, chuyển viện kịp thời, hạn chế để bệnh tăng nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong…
C.Đan