NHỮNG BIỂU HIỆN BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI ĐỐI VỚI PHỤ NỮ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
ThS. Trần Ngọc Sáng
Khoa Xây dựng Đảng
Vấn đề bất bình đẳng giới đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại, được biểu hiện qua những hình thức khác nhau qua các thời kỳ lịch sử và phụ thuộc vào bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là sự đối xử khác biệt với nam giới và phụ nữ tạo nên các cơ hội khác nhau, sự tiếp cận các nguồn lực khác nhau, sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội... Bất bình đẳng giới luôn thể hiện ở cả hai khía cạnh đối với nam giới và nữ giới. Tuy nhiên trong thực tế, bất bình đẳng đối với phụ nữ thường diễn ra một cách phổ biến hơn, đặc biệt ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ. Tuy nhiên, những biểu hiện bất bình đẳng giới vẫn tồn tại tương đối phổ biến trong xã hội.
Thứ nhất, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Ở nước ta, công việc đặc thù của phụ nữ thường bị đánh giá thấp hơn nam giới. Phụ nữ thường làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới.
Khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam cũng có xu hướng giãn rộng. Năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,7 triệu đồng; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,7 triệu đồng.[1] Như vậy, tiền lương bình quân tháng của lao động nam cao hơn nữ trung bình là khoảng 2,0 triệu đồng.
Như vậy, có thể nói dù đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta vẫn còn khá rõ nét, đòi hỏi phải được giải quyết để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, bất bình đẳng trong lĩnh vực chính trị
Các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân từ trung ương đến địa phương hiện nay chủ yếu do nam giới đảm nhiệm. Trong hệ thống tổ chức Đảng: Các nhiệm kỳ vừa qua, tỷ lệ nữ tham gia Ban thường vụ chỉ khoảng 7 - 8% ở cấp tỉnh, cấp huyện và khoảng 6% ở cấp xã. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ nữ giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy khoảng 5%. Chỉ có 03 tỉnh có Bí thư Tỉnh ủy là nữ gồm: Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, số nữ Bí thư tỉnh ủy được tăng lên 09 đồng chí, tuy nhiên, con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở các cấp chưa tương xứng với tỷ lệ nữ đảng viên hiện nay. Trong các cơ quan dân cử: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,54%; tỷ lệ nữ chủ tịch Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp dao động trong khoảng 6%. Tỷ lệ nữ giới giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, huyện khoảng 20%. Tỷ lệ này ở cấp xã còn thấp hơn (khoảng 14%). Trong bộ máy hành chính nhà nước: Nhiệm kỳ 2021 – 2026 cả nước chỉ có 02 nữ chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bình Phước).[2]
Thứ ba, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa – xã hội
Việt Nam hiện nay vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tàn dư văn hóa phong kiến, do đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội chính là nơi biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng bất bình đẳng giới đối với phụ nữ.
Xã hội phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã đề cao vai trò và địa vị của nam giới, hạ thấp vai trò của nữ giới. Vẫn còn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng đối với phụ nữ ngay trong nhiều gia đình, bởi các chuẩn mực giới theo truyền thống văn hóa phong kiến đã ăn sâu trong xã hội. Không ít người, kể cả những nam giới có trình độ học vấn cao vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, tề gia, nội trợ... Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, con trai là người thừa kế tài sản… nên phải tìm cách sinh con trai bằng mọi giá. Điều này khiến cho cân bằng giới tính của Việt Nam bị tác động tiêu cực. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111.5 bé trai / 100 bé gái.[3] Sự thay đổi cân bằng giới tính chệch khỏi mức sinh học bình thường phản ánh những can thiệp có chủ đích và gây nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của quốc gia.
Nhiều gia đình có cả con trai, con gái thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng với con gái so với con trai. Con trai luôn có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn chị em gái. Việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa cũng chủ yếu chỉ dạy con gái làm. Chính những quan điểm không phù hợp này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ. Người phụ nữ bị trói buộc trong phạm vi gia đình và hoàn toàn bị lệ thuộc vào nam giới. Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ.[4]
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cũng góp phần hình thành nên tính gia trưởng của nam giới. Tình trạng bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các tác động mặt trái của hôn nhân có yếu tố nước ngoài thời gian qua chưa có chiều hướng thuyên giảm. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hoặc kinh tế. Thêm vào đó, bạo lực đối với phụ nữ thường vẫn bị che giấu. Khoảng 50% phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, đoàn thể.[5]
Bất bình đẳng giới còn được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Ở nước ta, tỷ lệ biết chữ của nữ giới (từ 15 tuổi trở lên) những năm qua luôn thấp hơn nam giới từ 1 - 4%. Đặc biệt tại các trường Đại học, Cao đẳng, giảng viên nữ thường có học hàm, học vị thấp hơn nhiều so với giảng viên nam. Năm 2019, trong tổng số 24.083 giảng viên giảng dạy ở các cấp bậc đại học, cao đẳng trên cả nước, chỉ có 8.708 người là nữ, chiếm tỷ lệ 0,36% tổng số giảng viên.[6] Như vậy, ngay trong ngành giáo dục đào tạo, ngành được coi là nhân văn nhất trong các ngành nghề, bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Bất bình đẳng giới đối với phụ nữ tại Việt Nam thời gian qua xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác bình đẳng giới. Mặc dù bình đẳng giới luôn là một nội dung quan trọng hàng đầu được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bình đẳng giới đã được ban hành, tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả, vẫn có một số cấp ủy, cá nhân chưa thay đổi trong tư duy, nhận thức, từ đó triển khai các nội dung bình đẳng giới một cách hình thức, hời hợt, kém hiệu quả.
Thứ hai, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về bình đẳng giới hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn những lỗ hổng gây thiệt thòi về quyền và lợi ích chính đáng cho nữ giới. Thêm vào đó, những chế tài đối với các hành vi bất bình đẳng giới chưa đủ sức răn đe, đôi khi bất hợp lý. Điều đó làm cho những đối tượng vi phạm có tâm lý coi thường pháp luật và những phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng cũng thiếu niềm tin vào pháp luật để đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân.
Thứ ba, sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng còn nhiều hạn chế.
Thứ tư, định kiến giới và sự phân công xã hội giữa nam và nữ đã có từ hàng nghìn năm, ăn sâu vào văn hóa truyền thống và ngẫu nhiên gây một cảm giác về sự hợp lý, bất biến. Tâm lý ấy khiến sự bất bình đẳng kéo dài nhưng các cá nhân trong xã hội không nhận thấy sự bất công ấy, coi là lẽ tự nhiên, là sự bình thường.
Thứ năm, bản thân một số phụ nữ vẫn còn tư tưởng cam chịu, lệ thuộc, thiếu ý chí độc lập, tự chủ, vươn lên tự hoàn thiện bản thân và đấu tranh cho quyền và lợi ích chính đáng của bản thân nói riêng và nữ giới nói chung. Một số có ý định thay đổi nhưng lại cảm thấy e ngại trước dư luận xã hội, mặc dù hoàn cảnh của đất nước đã phát triển và khác trước rất nhiều.
Để khắc phục, đẩy lùi bất bình đẳng giới đối với phụ nữ ở nước ta, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền về công tác bình đẳng giới. Để xóa bỏ sự bất bình đẳng giới, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính quyền là một nhân tố quan trọng hàng đầu. Do đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của Chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới. Để làm được điều này, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch cụ thể về bình đẳng giới hoặc có lồng ghép các nội dung bình đẳng giới. Xây dựng quy chế để ràng buộc trách nhiệm của cấp ủy Đảng, Chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện.
Hai là, kiện toàn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới là một nhân tố quan trọng để đảm bảo công tác này có thể được triển khai, phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, thời gian tới cần phải rà soát hệ thống pháp luật hiện hành đảm bảo nhất quán trong các luật về nguyên tắc bình đẳng giới. Đặc biệt cần phải chú ý các chính sách về quy hoạch cán bộ đối với nữ, nhất là chính sách cho đội ngũ nữ cán bộ khoa học, cán bộ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, cũng cầnrà soát, sửa đổi, bể sung các chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê giới quốc gia phù hợp với các nghị quyết của Đảng, các luật hiện hành, các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, nâng cao hiệu quả bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới. Để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vai trò của bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới cần phải kiện toàn, nâng cao hiệu quả của các cơ quan, tổ chức của bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới trên các nội dung cụ thể sau:
- Chuyên môn hóa bộ máy làm công tác bình đẳng giới. Trước thực tế về giảm biên chế trong các cơ quan của Nhà nước. Bình đẳng giới là lĩnh vực mới, cán bộ lại kiêm nhiệm nên thường không yên tâm trong công tác. Do vậy, cần hoàn thiện theo hướng đảm bảo có cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới nhằm tăng động lực làm việc, tạo sự gắn bó lâu dài với công tác bình đẳng giới.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực cho bộ máy làm công tác về bình đẳng giới. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác về bình đẳng giới cần được thực hiện theo một kế hoạch tổng thể. Kế hoạch này cần được xây dựng ở tất cả các cấp, trước mắt ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, đồng thời lựa chọn một số huyện và xã làm thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.
- Chú trọng đầu tư ngân sách cho các hoạt động về bình đẳng giới. Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đã đặt ra, cần dành kinh phí thỏa đáng để đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế cho các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới. Kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị đó theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới. Xóa bỏ bình đẳng giới không phải là công việc riêng của Đảng, của chính quyền mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Do đó, bên cạnh các chính sách, kế hoạch, chương trình để đảm bảo bình đẳng giới thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong chiến lược dài hạn, cần phải có các chương trình giáo dục về bình đẳng giới đưa vào giảng dạy trong trường học cho trẻ em. Việc thay đổi các chuẩn mực xã hội phải được thực hiện thật cụ thể, thông qua việc xây dựng văn hóa tôn trọng, bình đẳng giới không chỉ tại nhà, nơi làm việc, trường học, trên môi trường trực tuyến… Công tác này cần được tiến hành bền bỉ, khoa học và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và các cơ quan truyền thông đại chúng.
Năm là, chủ động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Bình đẳng giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, không còn là một vấn đề của riêng bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ. Việc hợp tác quốc tế về bình đẳng giới không những có thể giúp Việt Nam tranh thủ các kinh nghiệm từ các nước phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này, mà còn tranh thủ được các nguồn lực để triển khai công tác thực hiện bình đẳng giới ở trong nước, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
Tóm lại, bình đẳng giới đang ngày càng được nhìn nhận, đánh giá có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của từng quốc gia và toàn cầu nói chung. Thời gian qua, vấn đề bình đẳng giới đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, thực trạng vấn đề bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tin tưởng rằng, nếu triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề cập, với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và toàn thể dân tộc Việt Nam, trong thời gian tới, những biểu hiện bất bình đẳng giới đối với phụ nữ sẽ dần thu hẹp, tiến tới bị xóa bỏ hoàn toàn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2021), Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030.
2. Đảng Cộng sản VN (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, ST, Hà Nội.
3. Học viện Chính trị Quốc gia HCM (2021), Giáo trình Giới trong lãnh đạo, quản lý - Chương trình Cao cấp Lý luận Chính trị, Nxb Lý luận Chính trị, HN.
4. Quốc hội (2006), Luật số 73/2006/QH về Bình đẳng giới.