Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ đây mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em gái đều được bảo vệ.
Phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng với nét đặc thù truyền thống của vùng đất Cố Đô luôn được đánh giá là người phụ nữ “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh nhà chịu thương, khó, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” học hành chăm chỉ, dịu dàng, chung thủy, luôn hết lòng hy sinh cho hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế nhất định như: vẫn còn an phận, ngại tiếp xúc, va chạm, không thích cuộc sống xô bồ...., phần nào đã ảnh hưởng đến quá trình công tác, hoạt động xã hội...
Hiện nay, cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý có mặt ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh: từ cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, với nhiều lĩnh vực công tác khác nhau nhìn chung đều được qua đào tạo, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cũng như về lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Nhiều đồng chí cán bộ nữ đã được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn mà còn đảm nhận cả công tác Đảng và đoàn thể đã đóng góp một phần không nhỏ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn; dân chủ trong lãnh đạo và quản lý; có khả năng thuyết phục, liêm khiết và tiết kiệm. Các chị vừa đảm đương thiên chức người vợ, người mẹ vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và nhiều danh hiệu thi đua khác, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu mạnh.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới của tỉnh trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác tạo nguồn cán bộ nữ. Cần đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của các cấp ủy, chính quyền các cấp: ưu tiên và quan tâm tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ có trình độ đại học và sau đại học; nâng cao tỷ lệ Đảng viên là nữ; có kế hoạch bố trí, phân công công tác hợp lý để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, có triển vọng để tạo nguồn cho những vị trí lãnh đạo cao hơn trong đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đương chức các cấp.
Để tạo ra những lãnh đạo là cán bộ nữ thì công tác quy hoạch cần triển khai đồng bộ, dân chủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc; ưu tiên những chuyên ngành, lĩnh vực cán bộ nữ còn thiếu. Các cấp ủy cần coi trọng quy hoạch cán bộ nữ để đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa bằng những quy định cụ thể về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cán bộ nữ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý; xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút nữ tài năng trẻ. Quy hoạch cán bộ nữ gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và luân chuyển cán bộ; đồng thời, công tác quy hoạch cán bộ nữ cần phải được rà soát, bổ sung và điều chỉnh hàng năm.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với việc thực hiện Chương trình hành động “Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới” tại các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh; Kế hoạch số 414/KH-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2022 về triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về giới cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng nhiều hình thức.
Trong đánh giá, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ cần căn cứ vào tiêu chuẩn, hiệu quả công việc; xem xét về khả năng và triển vọng của chị em. Cùng với việc tin tưởng giao nhiệm vụ, động viên kịp thời, cần chú trọng công tác giáo dục về giới cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung, cán bộ nữ nói riêng để chị em có ý thức phấn đấu, tham gia tích cực, bình đẳng vào các công việc chung. Các cấp chính quyền địa phương tạo nguồn cán bộ nữ chủ chốt bằng việc quy hoạch cán bộ nữ từ trưởng, phó ban, ngành cấp huyện, xã, phường, thị trấn.
Nguyễn Thị Thu Hòa - Ban Tôn giáo