I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 144 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. So với năm 2022, số lượng tín đồ tăng gần 56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 cơ sở.
Các tôn giáo có đông tín đồ nhất là Phật giáo khoảng trên 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin lành khoảng 1,21 triệu tín đồ; Cao Đài khoảng trên 1,1 triệu tín đồ. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các tôn giáo khác: Hồi giáo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bà La Môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh Sư đạo, Minh lý đạo…
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Hiện nay, ở Việt Nam có 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực: sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc,… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 30/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162). Ngày 01/01/2018, cùng với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Luật), Nghị định 162 chính thức có hiệu lực thi hành. Sau 05 năm có hiệu lực thi hành, Nghị định 162 đã góp phần trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quy định chi tiết, cụ thể những nội dung Luật giao cho Nghị định thực hiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các quy định của Luật, Nghị định 162 còn quy định các biện pháp thi hành Luật. Tuy nhiên, cùng với các kết quả đạt được, Nghị định số 162 đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt cần phải có những biện pháp cụ thể hơn để thi hành Luật hiệu quả. Đó là lý do, ngày 29/12/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định 95) thay thế Nghị định 162. Nghị định 95 gồm 33 điều, tăng 8 điều so với Nghị định số 162, trong đó: giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 18 điều, bổ sung 9 điều và 02 khoản (khoản 1 và 2 Điều 3). Ngoài ra, Nghị định 95 còn kèm theo Phụ lục gồm 60 biểu mẫu thủ tục hành chính. (Một số nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 95 xin đính kèm).
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đất đai sửa đổi, trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo: Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các tổ chức, cá nhân khác.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác này luôn được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp quan tâm chú trọng đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng với nhiều hình thức, như: biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; phối hợp xây dựng phim, phóng sự chuyên đề phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia để thông tin tới bạn bè thế giới và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 3.420 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; 03 hội nghị tập huấn kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho 750 đại biểu là chức sắc, chức việc các tôn giáo tại các địa phương; công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (tiếng Việt, tiếng Anh).
Ba là, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Đặc biệt những ngày lễ trọng của các tôn giáo như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; Lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, Lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm; tháng chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự.
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 02 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam), quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Như vậy, đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; hàng ngàn điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021 - 2023 khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 06 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 05 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.
Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức hội nghị, đại hội; các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; các hoạt động thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; xây dựng, sửa đổi Hiến chương, Điều lệ, đường hướng hành đạo; hướng dẫn đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng hiến chương, điều lệ các tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật; khuyến khích tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn tại vùng sâu, vùng xa; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vì cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tổ chức tôn giáo đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ và đã lựa chọn nhân sự lãnh đạo là các chức sắc, chức việc tiêu biểu, có tinh thần đối thoại, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc.
Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết. Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm khoảng hơn 70%. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Đến thời điểm hiện nay hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới.
Bốn là, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần quảng bá chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đến với bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khoá đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài, gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện đăng cai, tổ chức các sự kiện tôn giáo lớn: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tại giáo phận Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình , Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương” tại thành phố Hồ Chí Minh ,…
Năm là, quan hệ Việt Nam - Vatican đang có bước tiến triển tích cực. tháng 7/2023, Lãnh đạo Hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Toà thánh Vatican tại Việt Nam, thông qua Thoả thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Toà thánh tại Việt Nam. Sau khi hai bên công bố thỏa thuận nâng cấp quan hệ, Giáo hoàng Francis đã có thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam thông báo về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Vatican; ghi nhận những đóng góp của chức sắc, giáo dân và Giáo hội Công giáo Việt Nam để phục vụ dân tộc và sự phát triển của xã hội; đồng thời, nhắc nhở chức sắc và giáo dân Công giáo Việt Nam thực hiện lời giáo huấn của Cố Giáo hoàng Benedict XVI đối với các Giám mục Việt Nam (năm 2009) “người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt”; bày tỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.
III. CÔNG TÁC PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ ĐƯA VIỆT NAM RA KHỎI DANH SÁCH THEO DÕI ĐẶC BIỆT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO
- Bộ Nội vụ đã ban hành và triển khai Kế hoạch phối hợp vận động đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, không đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt.
- Thành lập các Đoàn Công tác đi nước ngoài để triển khai các hoạt động đối ngoại và trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cụ thể, năm 2023, Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm trưởng đoàn đã đi Hoa Kỳ để trao đổi về chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; giải tỏa các thông tin thiếu khách quan về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vượt qua sự khác biệt trong việc tiếp cận vấn đề tự do tôn giáo, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
- Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại tôn giáo được quan tâm, triển khai toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”; tăng cường công tác đối thoại với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam, tranh thủ các đối tác là bạn bè ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống lại những luận điệu thiếu thiện chí về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam; duy trì và triển khai hiệu quả cơ chế đối thoại về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo hàng năm với các đối tác (Hoa Kỳ, EU, Úc,...). Năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiếp 14 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia công tác đối ngoại nhân dân, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo đăng cai, tổ chức thành công nhiều hoạt động tôn giáo mang tầm quốc tế tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trên trường quốc tế.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và việc thực hiện về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và quần chúng nhân dân nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó tập trung hướng dẫn, tuyên truyền Nghị định 95 và Luật Đất đai sửa đổi nội dung liên quan đến đất đai tôn giáo.
IV. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN CHO CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ
Tại các phiên đối thoại nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ hàng năm, các cuộc tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam, phía Hoa Kỳ thường quan ngại việc Chính phủ Việt Nam gây ra hoặc dung túng cho các hoạt động quấy rối đối với các thành viên thuộc nhóm các tổ chức tôn giáo chưa được nhà nước công nhận: khó khăn khi đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; buộc từ bỏ đức tin của các thành viên thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng Ki tô giáo chưa đăng ký,…
Ban Tôn giáo Chính phủ cung cấp một số thông tin, lập luận để cơ quan báo chí có cơ sở tuyên truyền những vấn đề nêu trên.
1. Vấn đề công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung:
- Về chủ trương, chính sách, pháp luật: Việc xem xét công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung được thực hiện theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức có giáo lý, giáo luật rõ ràng, không vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì đều được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo tập trung.
- Trên thực tế, sau khi thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan chức năng đã công nhận 03 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức. Số lượng điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tăng theo thời gian và ở tất cả các tôn giáo. Trước khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có hơn 2.600 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; sau khi thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Các điểm nhóm chưa được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung do chưa đủ điều kiện hoặc không thực hiện các thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tạo điều kiện cho các điểm nhóm này sinh hoạt tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân.
2. Vấn đề “ép, bỏ đạo”:
- Ở Việt Nam, không có hiện tượng ép bỏ đạo.
+ Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền.
+ Các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận tổ chức tôn giáo hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa điểm hợp pháp.
+ Những ngày lễ trọng của các tôn giáo đã thu hút đông đảo các tín đồ tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng (Lễ nôel, Phật đản, Lễ diêu trì cung…).
- Nhà nước tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tại một số địa phương để xảy ra vụ việc đáng tiếc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, một phần là do nguyên nhân từ các tổ chức tôn giáo không tuân thủ đúng quy định pháp luật, một phần là do nhận thức chủ quan, thiếu kinh nghiệm của cán bộ trong việc thực thi pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Các vụ việc xảy ra ở địa phương chỉ là đơn lẻ, không phải là chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam.
Các cơ quan chức năng tại địa phương đã nhắc nhở các tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện hoạt động tôn giáo theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức vi phạm chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tại một số địa phương cũng xảy ra mâu thuẫn, xung đột đức tin,văn hoá giữa người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo. Vì vậy trong quá trình thực hành các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo có sự khác nhau, xảy ra mâu thuẫn. Trong bối cảnh này, theo chức năng và nhiệm vụ, công an xã phải đứng ra ổn định tình hình, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hai bên theo pháp luật./.