Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
- Xin ông cho biết, kết quả đạt được của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022 trong phục hồi và phát triển thị trường lao động?
|
- Năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động dần trở về trạng thái bình thường, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, góp phần vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội trở lại; phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện giải quyết được 16.560 người có việc làm mới, đạt 144% kế hoạch.
Để đạt được kết quả nổi bật nêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bám sát chủ trương, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo trong toàn ngành phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ việc làm hiệu quả, góp phần phát triển thị trường lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; tham mưu và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền chính sách hỗ trợ tạo việc làm gắn với thị trường lao động; đẩy mạnh tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm. Cụ thể, tổ chức 73 phiên giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, tại khu công nghiệp và các địa phương. Qua đó, tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho hơn 10.000 lượt người; giới thiệu việc làm gần 9.000 người.
|
Sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham mưu UBND tỉnh bổ sung nhu cầu nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tính đến ngày 30-11, toàn tỉnh đã thực hiện giải quyết vay đối với 11.258 dự án, tổng số vốn đã giải ngân gần 520,4 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ tạo việc làm cho 11.528 lao động, tăng 182,9% so với năm 2021. Đối với tư vấn chính sách hỗ trợ, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, kết quả có 251 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 251% kế hoạch, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao trình độ tay nghề của người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước, giải quyết việc làm bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Đối với công tác đào tạo nghề nhằm duy trì việc làm bền vững, trong năm 2022, sở đã triển khai và đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
- Trong năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 29.550 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 1.871 người, trung cấp 3.554 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 24.125 người. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 82%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,6%. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 497 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đạt 251% so với năm 2021; đào tạo nghề cho 425 lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo cho 304 lao động tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
- Năm 2023, sở sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào để duy trì việc làm, phát triển thị trường lao động, thưa ông?
- Sở sẽ chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời việc thực hiện chính sách, đề xuất chính sách phù hợp để giải quyết việc làm bền vững; tiếp tục triển khai các hoạt động theo Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”; thực hiện thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2023, phục vụ kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm; triển khai các tiểu dự án “Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” và tiểu dự án “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về việc làm, lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn - vệ sinh lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; góp phần chung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023; tập trung chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)