Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, sáng 8-4, 2 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất tại một số đơn vị trên địa bàn TP. Nha Trang, đồng thời kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố. Đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn kiểm tra số 1 đi kiểm tra bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Hiệp).
|
Đồng chí Đinh Văn Thiệu kiểm tra bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp. |
Kiểm tra thực tế tại các cơ sở
Tại thời điểm kiểm tra, Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp không có tình trạng buôn bán hàng rong, thức ăn nhanh trước cổng trường. Nhà trường đã hợp đồng với 1 công ty chuyên phục vụ bếp ăn bán trú; quan tâm chấp hành các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP tại bếp ăn bán trú. Bước đầu kiểm tra cho thấy, công ty này chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ bữa ăn của học sinh (HS). Bếp ăn có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sạch sẽ; có hợp đồng mua nguyên liệu, phụ gia thực phẩm đầy đủ. Nhân viên nấu ăn đảm bảo sức khỏe để tham gia chế biến thực phẩm; bếp ăn thực hiện tốt việc kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn…
Đồng chí Đinh Văn Thiệu yêu cầu Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp tiếp tục giám sát đơn vị phục vụ bếp ăn bán trú để duy trì tốt việc chấp hành các quy định về vệ sinh ATTP tại trường; phối hợp với UBND xã kiểm soát hàng rong bán trước cổng trường; tập huấn, trang bị kỹ năng cho giáo viên, nhân viên y tế khi xảy ra tình huống ngộ độc thực phẩm để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho HS, tránh gây lo lắng cho phụ huynh, HS và dư luận.
Kiểm tra tại Công ty TNHH Minh Nhật Foods NT (phường Vĩnh Hải) - doanh nghiệp chuyên kinh doanh thịt gia súc và gia cầm đông lạnh nhập khẩu, đoàn kiểm tra đánh giá, cơ sở xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ nguồn gốc thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 8 người đang làm việc tại đây và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đông lạnh tại cơ sở cũ (số 36 đường 2 tháng 4). Tuy nhiên, công ty chưa xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho việc kinh doanh tại địa điểm kinh doanh mới (320/34 đường 2 tháng 4), cũng như giấy khám sức khỏe của 8 lao động. Đoàn đã lấy một số mẫu cơ sở đang kinh doanh để giám định chất lượng, đồng thời đề nghị cơ sở sớm cung cấp các giấy tờ chưa xuất trình khi có thông báo làm việc của cơ quan chức năng. Ông Phạm Minh Nhật, thành viên Ban Giám đốc công ty cho biết: “Mỗi ngày, công ty xuất, nhập từ vài trăm kilôgam đến gần 1 tấn thực phẩm đông lạnh. Vì thế, vấn đề đảm bảo ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Công ty có kho lạnh tiêu chuẩn; xây dựng quy trình xuất, nhập thực phẩm theo tiêu chuẩn 1 chiều. Thực phẩm được nhập từ những công ty lớn của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Do công ty đang chuyển sang địa điểm mới nên còn một số thiếu sót. Chúng tôi sẽ sớm liên hệ cơ quan chức năng để bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định”.
Còn khó khăn, vướng mắc
Tại buổi kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP TP. Nha Trang, đồng chí Nguyễn Thị Phương Đài - Phó Trưởng phòng Y tế thành phố cho biết, từ năm 2023 đến nay, thành phố đã triển khai nhiều lực lượng kiểm tra công tác bảo đảm ATTP. Riêng các đoàn liên ngành đã kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thực phẩm; cơ sở sản xuất, chế biến; bếp ăn bán trú các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn, qua đó phát hiện 27 cơ sở vi phạm, đề nghị xử phạt hành chính 320 triệu đồng. Trung tâm Y tế thành phố lồng ghép giám sát 135 bếp ăn bán trú tại trường trong công tác kiểm tra y tế trường học. Qua kiểm tra, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; cống rãnh tại khu vực bếp bị ứ đọng, không che đậy kín...
Trong năm 2023 và từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 293 người nhập viện. Qua thực tế triển khai thực hiện công tác ATTP cho thấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Hiện nay, nguồn kinh phí cho công tác ATTP của cấp xã còn rất hạn chế, chủ yếu tự cân đối từ kinh phí chi thường xuyên của địa phương (dự trù kinh phí phục vụ tuyên truyền, kiểm tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm thực phẩm năm 2024 của cấp xã là 433 triệu đồng). Nhân lực phụ trách ATTP của thành phố và tuyến xã thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ quản lý ATTP chưa đáp ứng nhiệm vụ. Quy định về chủ cơ sở lập danh sách xác nhận kết quả tập huấn kiến thức ATTP đối với nhân viên ở cơ sở của mình dẫn đến những bất cập. Trong khi đó, số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... ngày càng tăng.
|
Đoàn kiểm tra lấy mẫu tại Công ty TNHH Minh Nhật Foods NT gửi xét nghiệm chất lượng. |
Đồng chí Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang cho rằng, sau kiểm tra, nếu không quản lý rốt ráo, các cơ sở không đảm bảo ATTP sẽ lại tiếp tục xuất hiện. Những điểm bán hàng rong buổi sáng cho HS thường chế biến từ tối hôm trước; thực phẩm không được bảo quản tốt rất dễ gây ra ngộ độc, đó là chưa nói đến quy trình chế biến và đầu vào của thực phẩm. Một vấn đề mà ngành Giáo dục lo lắng, băn khoăn là việc phối hợp kiểm tra và quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ độc lập tư thục do UBND cấp xã quản lý không được tiến hành thường xuyên. Những cơ sở này có số lượng HS ít nên việc ký kết hợp đồng đối với các nhà cung cấp thực phẩm chưa được nghiêm ngặt và nền nếp.
Kiến nghị, đề xuất các giải pháp
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Đài đề xuất UBND tỉnh quan tâm bổ sung nguồn nhân lực, kinh phí cho tuyến thành phố và tuyến xã để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về ATTP; các sở tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP cho cán bộ phụ trách. UBND tỉnh nên có hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP dùng chung cho cả 3 ngành (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) và cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng.
Bà Phạm Thị Châu Anh cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường thực hiện tốt hơn công tác quản lý đối với giáo dục mầm non ngoài công lập. Đối với cấp tiểu học, sẽ đề xuất tăng cường các lớp tập huấn. Đối với cấp THCS, phòng đang nghiên cứu lại các văn bản liên quan để xem xét cho phép hay không cho phép tổ chức căng tin trong trường học.
Theo đề xuất của thành viên đoàn kiểm tra, đối tượng có nguy cơ gây mất ATTP tập trung chủ yếu ở những cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, song hiện nay việc quản lý ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. TP. Nha Trang có 14 lò giết mổ gia cầm có đăng ký với cơ quan chức năng, còn lại là tự phát khó đảm bảo các điều kiện vệ sinh, nguy cơ mầm bệnh rất lớn. Các xã, phường cần rà soát, phân loại lại các đối tượng kinh doanh thực phẩm để có giải pháp quản lý, giám sát; chú ý kiểm tra những cơ sở có nguy cơ cao về mất ATTP…
Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố tiếp thu toàn bộ ý kiến của đoàn kiểm tra và sẽ kiểm tra công tác vệ sinh ATTP liên tục, thường xuyên, với tinh thần "lúc nào cũng cao điểm" chứ không chỉ tập trung trong Tháng cao điểm về ATTP, vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.
Đồng chí VÕ HỒNG VÂN - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Bất cập hiện nay là trong trường học công tác đảm bảo ATTP làm rất tốt, nhưng khó quản lý chất lượng thực phẩm ở những người bán hàng rong, hộ bán gần trường. Vì thế, TP. Nha Trang nên tăng cường tập huấn và truyền thông trực tiếp với nhóm hộ kinh doanh này hoặc có thể mời tổ trưởng tổ dân phố truyền thông lại cho họ. Nếu các hộ chế biến thực phẩm đều lưu mẫu và kiểm thực 3 bước thì sẽ dễ truy xuất được đầu vào.
Đồng chí NGUYỄN ĐÌNH THOAN - Phó Giám đốc Sở Y tế: Để bảo đảm công tác vệ sinh ATTP được tốt hơn, thành phố cần tăng cường vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố và cấp xã; tăng cường các đợt kiểm tra, chú trọng kiểm tra ở tuyến xã; chú trọng công tác tập huấn; quan tâm đến các cơ sở chế biến suất ăn lớn, hàng rong, thức ăn đường phố, chợ, nhóm trẻ gia đình; sắp xếp nguồn lực phù hợp cho công tác vệ sinh ATTP; rà soát, cập nhật thông tin quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần phối hợp xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP và công khai cho người dân được biết. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang tham mưu đề xuất tổ chức các cơ sở cung ứng thức ăn trong trường học theo đúng quy định...
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/ra-quan-kiem-tra-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-eb01a32/