Sau một thời gian tìm phương án đổi mới hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố phù hợp với đề án phát triển kinh tế ban đêm, ngành Văn hóa tỉnh bước đầu đã đề xuất những nội dung cụ thể cho hoạt động này.
Nỗ lực để có những đêm biểu diễn hấp dẫn
Từ đầu tháng 6, vào các tối thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, tại khu vực công viên đối diện đường Tuệ Tĩnh (TP. Nha Trang) thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem và tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Không còn những buổi biểu diễn đơn điệu một chiều, những chương trình này đã mang đến cho khán giả những giờ phút biểu diễn đa sắc màu, theo từng chủ đề, loại hình nghệ thuật khác nhau. Ở đó, khán giả được xem các tiết mục ca, múa, hòa tấu nhạc cụ, nhảy hip hop, đờn ca tài tử, ảo thuật, xiếc, biểu diễn patin nghệ thuật, trượt ván nghệ thuật…, kết hợp với những cuộc thi nhỏ của các đội nhóm để gia tăng tính hấp dẫn. Các đêm diễn đều có người dẫn chương trình kiêm nhiệm vụ hoạt náo viên để tổ chức nhiều trò chơi xen kẽ, có quà tặng giao lưu cho khán giả. “Trước đây, tôi chỉ thấy từng nhóm nhỏ các câu lạc bộ (CLB) biểu diễn vào các buổi khác nhau. Bây giờ, việc thực hiện chương trình tổng hợp các loại hình, nhất là có nhiều tiết mục mang tính hoạt náo, giao lưu với khán giả nên đã mang đến những khoảng thời gian giải trí thú vị”, ông Nguyễn Xuân Linh (đường Dã Tượng, Nha Trang) nhận xét.
|
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố do các câu lạc bộ nghệ thuật trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Ảnh: Vĩnh Thành |
Theo ông Nguyễn Khắc Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, để đổi mới hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, trung tâm đã thành lập bộ phận thực hiện các mẫu video clip, các trend tiktok để quảng bá trước, trong và sau mỗi đêm diễn. Trung tâm dự kiến sẽ đăng lịch diễn, chương trình biểu diễn trên website của trung tâm và các trang mạng xã hội; trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn nghệ thuật đường phố; lên ý tưởng thiết kế lại phông sân khấu thêm đẹp, bắt mắt và bắt nhịp xu hướng hiện nay. Trung tâm cũng đã kiện toàn và bổ sung thêm các CLB, loại hình nghệ thuật khác nhau; khuyến khích thành viên các CLB đến tập luyện tại trung tâm để cán bộ phòng chuyên môn hỗ trợ, góp ý, chỉnh sửa từng tiết mục chương trình và được thẩm định trước khi biểu diễn, đồng thời ký hợp đồng cố định các suất diễn nhằm tạo sự ổn định lâu dài để các CLB có sự đầu tư hơn.
Đối với hoạt động hô hát bài chòi ở khu vực công viên bờ biển gần Quảng trường 2 tháng 4, trung tâm đang làm việc với 3 CLB bài chòi truyền thống và sắp xếp lịch diễn cho các CLB. Trung tâm cũng quan tâm chỉnh trang lại khu vực bài chòi, phát triển các CLB bài chòi tại địa phương, hoạt động bài chòi trong học đường để tiếp tục tạo nguồn kế cận. “Để tạo ra các đêm biểu diễn nghệ thuật đường phố hấp dẫn khán giả đòi hỏi trung tâm phải không ngừng nâng cao chất lượng các CLB nghệ thuật truyền thống; phát triển CLB nghệ thuật trong học sinh - sinh viên; mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng để phát hiện tài năng trẻ. Thời gian tới, trung tâm sẽ tham mưu tổ chức các hội thi, hội diễn quần chúng, các cuộc thi mang màu sắc nghệ thuật trẻ trung, năng động; hỗ trợ các CLB phát triển, tìm kiếm nhiều cơ hội biểu diễn tại nhiều điểm, sân khấu khác nhau. Đặc biệt, trung tâm chú trọng kết hợp giữa văn hóa, điện ảnh và du lịch để quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh Khánh Hòa đến du khách”, ông Nguyễn Khắc Duy cho biết.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
Được biết, các hoạt động nêu trên nằm trong kế hoạch tổ chức biểu diễn nghệ thuật đường phố gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Nha Trang do Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho UBND tỉnh. Theo đó, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ được tập trung đầu tư nâng cao. Trong đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ tập trung xây dựng, tổ chức các hoạt động giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể bài chòi, trích đoạn dân ca kịch bài chòi, trích đoạn tuồng cổ, các hoạt động trải nghiệm khám phá; tổ chức các hoạt động giao lưu, nói chuyện chuyên đề tìm hiểu trình diễn nghệ thuật, trang phục truyền thống, đặc trưng của những loại hình nghệ thuật truyền thống qua trích đoạn, vở diễn, hóa trang nhân vật, đạo cụ, vũ đạo… Nhà hát cũng xây dựng mã QR giới thiệu về giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống, các tuồng tích mẫu… để du khách, nhân dân tìm hiểu.
|
Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố do các câu lạc bộ nghệ thuật trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện. Ảnh: Vĩnh Thành. |
Kế hoạch cũng sẽ thực hiện các hoạt động định kỳ như: Hô hát bài chòi dân gian; thực hành nghiệp vụ, học tập văn hóa - nghệ thuật của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa. Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất tổ chức 2 hoạt động mới, gồm: Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại khu vực danh thắng quốc gia Hòn Chồng; chương trình văn hóa, nghệ thuật tâm linh tại di tích Tháp Bà Ponagar. Nếu được tổ chức, người dân và du khách sẽ được xem biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống, với điểm nhấn là đàn đá vào các tối thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần ở danh thắng Hòn Chồng; xem biểu diễn nghệ thuật dân gian của dân tộc Chăm, tìm hiểu, cảm nhận về giá trị của Tháp Bà Ponagar vào các ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố nhằm góp phần tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng, lễ hội truyền thống tiêu biểu; tạo nên những sản phẩm văn hóa mới, đặc sắc mang thương hiệu riêng của tỉnh; kết nối vào các hoạt động kinh tế đêm để tạo nên những sản phẩm thu hút du khách.
GIANG ĐÌNH