Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc sử dụng các thiết bị báo cháy không dây đang dần trở nên phổ biến tại nước ta, tuy nhiên do các thiết bị này sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc diện quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông do vậy các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, lắp đặt và quản lý cần lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:
1. Giới thiệu tổng quan một số loại thiết bị báo cháy không dây, cục bộ
1.1 Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy không dây
Hệ thống báo cháy không dây cơ bản gồm: trung tâm báo cháy không dây (nếu có), các đầu báo cháy không dây, nút nhấn – chuông (còi) – đèn báo cháy không dây, bộ tiếp nhận và xử lý tín hiệu (gateway). Các thiết bị này sử dụng một số phương thức truyền sóng như: radio, lora (long-range), bluetooth, wifi, zigbee... hệ thống đơn giản tối thiểu gồm 01 đầu báo không dây (lắp đặt ở khu vực sản xuất kinh doanh) và 01 chuông (còi) (lắp đặt ở khu vực phòng ngủ). Các phương thức truyền sóng có các ưu và nhược điểm riêng, tùy theo từng loại công trình và nhu cầu sử dụng có thể lựa chọn được thiết bị phù hợp. Hệ thống báo cháy không dây thích hợp ứng dụng đối với công trình có quy mô nhỏ, tổ liên gia, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh.
1.2 Thiết bị báo cháy cục bộ
Là thiết bị báo cháy không dây được tích hợp chung các thành phần như cảm biến, nguồn pin, phát âm thanh cảnh báo, đèn chỉ thị... vào cùng một vỏ bọc. Có một số dạng đầu báo cháy cục bộ như: Đầu báo cháy cục bộ phát hiện và cảnh báo độc lập; Đầu báo cháy cục bộ phát hiện và cảnh báo liên động với các đầu báo cục bộ khác; Đầu báo cháy cục bộ sử dụng sóng viễn thông di động 4G để chuyển tín hiệu cảnh báo đến người sử dụng thông qua điện thoại thông minh. Thiết bị báo cháy cục bộ thích hợp sử dụng cho nhà ở riêng lẻ, khu vực đơn lẻ.
2. Thực hiện hợp quy, kiểm định về PCCC
2.1 Quy định về tần số sử dụng
Phương tiện, thiết bị báo cháy không dây sử dụng với mục đích cảnh báo cháy được dùng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực, do vậy được khuyến khích dùng tần số trong dải tần miễn cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, trường hợp đặc biệt cần tham vấn cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn cụ thể.
Thiết bị báo cháy không dây cơ bản thuộc nhóm thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện. Căn cứ theo điểm 1.5 Phụ lục 1; điểm 18, 25, 33, 34, 35, 40 Phụ lục 2 và Phụ lục 7 Thông tư 08/2021/TT-BTTTT ngày 14/10/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật khai thác kèm theo (có bảng thông tin cụ thể kèm theo).
2.2 Chứng nhận hợp quy
Theo Thông tư số 02/2024/TT-BTTTT ngày 29/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông (có hiệu lực từ ngày 15/5/2024). Theo đó, danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó:
- Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện hoạt động ở dải tần 25 MHz đến 1 GHz phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (theo 2.6 Phụ lục I - Thông tư 02/2024/TT-BTTTT, thử nghiệm theo QCVN 47:2015/BTTTT và QCVN 96:2015/BTTTT).
- Thiết bị sử dụng sóng ngắn bluetooth, wifi ở tần số 2,4 GHz phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (theo 2.2 Phụ lục I - Thông tư 02/2024/TT-BTTTT, thử nghiệm theo QCVN 47:2015/BTTTT và QCVN 96:2015/BTTTT).
2.3 Kiểm định về PCCC
2.3.1 Quy định chung
Thiết bị báo cháy không dây chia thành 02 nhóm theo mục 1 nêu trên. Các phương tiện của hệ thống báo cháy sử dụng đường truyền vô tuyến theo quy định của pháp luật phải thực hiện kiểm định, trước khi kiểm định về PCCC cần được kiểm tra về tần số và thực hiện hợp quy theo mục 2.1 và 2.2 nêu trên. Hồ sơ đề nghị kiểm định phương tiện PCCC được quy định tại các văn bản quy phạm hiện hành.
2.3.2 Kiểm định thiết bị thuộc hệ thống báo cháy không dây (nêu tại 1.1)
Thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật theo Phần 2 quy định về kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy QCVN 03:2023/BCA. Trường hợp tích hợp nút ấn, chuông (còi), đèn vào một tổ hợp thì phải thử nghiệm đủ các tiêu chí cho từng loại.
2.3.3 Kiểm định thiết bị báo cháy không dây cục bộ (nêu tại 1.2)
Hiện tại chưa có tiêu chuẩn Việt Nam để thử nghiệm thiết bị này. Căn cứ theo 3.1.2 QCVN 03:2023/BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC có thể sử dụng kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định. Tiêu chuẩn để thử nghiệm có thể tham khảo theo BS EN 14604:2005, ISO 12239:2021 hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương.
2.3.4 Yêu cầu một số thông số cơ bản đối với thiết bị báo cháy không dây
Ngoài các tiêu chí thử nghiệm đối với thiết bị báo cháy thông thường, theo QCVN 03:2023/BCA các thiết bị báo cháy không dây được thử nghiệm bổ sung các bộ phận sử dụng đường truyền vô tuyến, cụ thể như sau:
- Suy hao tín hiệu tại hiện trường: mức yêu cầu theo 4.2.1, phương pháp thử theo 8.2.2 TCVN 7568-25:2023.
- Tính toàn vẹn của tín hiệu cảnh báo: mức yêu cầu theo 4.2.2, phương pháp thử theo 8.2.3 TCVN 7568-25:2023.
- Định danh của các thiết bị sử dụng đường truyền vô tuyến: mức yêu cầu theo 4.2.3, phương pháp thử theo 8.2.4 TCVN 7568-25:2023.
- Ăng ten: mức yêu cầu theo 4.2.7, phương pháp thử theo 8.2.9 TCVN 7568-25:2023.
- Tuổi thọ nguồn độc lập: mức yêu cầu theo 5.3.2, phương pháp thử theo 8.3.3 TCVN 7568-25:2023.
- Xuyên nhiễu giữa các hệ thống của cùng một nhà sản xuất: mức yêu cầu theo 4.2.5.2, phương pháp thử theo 8.2.6 TCVN 7568-25:2023.
(Ngoài ra cần lưu ý đối với nguồn độc lập phải có thời gian sử dụng ít nhất là 36 tháng; đối với chuông, còi báo động mức áp suất âm thanh không nhỏ hơn 65 dB, theo một hướng ở khoảng cách 1 m).
3. Thông tin về các đơn vị thực hiện kiểm định, hợp quy
3.1 Đơn vị thử nghiệm, chứng nhận hợp quy
Cục tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông
Địa chỉ: 115 Trần Duy Hưng - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 3556 4919
Fax: (84-24) 3556 4930
Email: contact@rfd.gov.vn
3.2 Đơn vị kiểm định phương tiện PCCC
Thực hiện công tác kiểm định về PCCC tại các đơn vị đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy trong lĩnh vực Tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC đối với thiết bị báo cháy có bộ phận sử dụng đường truyền vô tuyến theo QCVN 03:2023/BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn để các đơn vị, cá nhân biết và thực hiện./.