Năm 2018, tỉnh Khánh Hòa giảm 4.107 hộ nghèo (1,59%), vượt kế hoạch đề ra là giảm 1,2% hộ nghèo/năm. Đây là nỗ lực lớn của chính quyền các cấp, song để công tác giảm nghèo thực sự bền vững cần có giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tái nghèo. Năm 2019, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
Khánh Sơn là một trong hai huyện miền núi còn nhiều khó khăn của Khánh Hòa, đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 3.015 hộ nghèo (chiếm 44,09%), trong đó, 11 trường hợp tái nghèo. Nguyên nhân do người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Một số chưa đủ nguồn lực tái đầu tư sản xuất hay bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh khiến việc đầu tư bị thua lỗ, mất vốn, nợ nần.
Để giảm nghèo bền vững, huyện đã đưa mục tiêu vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2019, huyện tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân chọn các loại cây trồng, vật nuôi có tính kinh tế cao để sản xuất như sầu riêng, bưởi da xanh, quýt. Phương án này vừa giải quyết được vấn đề thu nhập cho người dân trước mắt vừa từng bước giúp họ thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn chia sẻ.
Ngoài các hoạt động giảm nghèo sử dụng nguồn lực tại chỗ, tỉnh Khánh Hòa cũng lập đề án "Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 của hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh" theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đang được cơ quan chức năng thẩm định và chờ hoàn thiện để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Dự kiến, nguồn kinh phí dự án là 194 tỷ đồng nhằm giúp hai huyện thay đổi bộ mặt hạ tầng cũng như tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn để nâng cao sản xuất.
Bên cạnh đề án trên, Nghị quyết số 06 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa với 2 chính sách giảm nghèo đặc thù dành cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và khuyến khích thoát nghèo bền vững cũng góp phần giúp đối tượng thụ hưởng có điều kiện thoát nghèo.
Cụ thể, đối với hộ mới thoát nghèo, theo Nghị quyết trên sẽ được vay khoảng 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay (theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội) trong vòng 3 năm kể từ khi hộ đó vay vốn. Còn đối với hộ nghèo là người có công với cách mạng, người có công sẽ được trợ cấp hàng tháng là 700.000đồng/ người/ tháng, các thành viên khác chưa có chính sách hỗ trợ.
Tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai biện pháp ngăn chặn nguy cơ tái nghèo như: Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là hộ nghèo; đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân; kiểm tra, giám sát các đối với các hộ đã giảm nghèo. Mặc khác, tăng cường công tác vận động xã hội, huy động nguồn lực trong cộng đồng đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo”… để hỗ trợ cho người nghèo, góp phần hạn chế, ngăn chặn nguy cơ tái nghèo tại địa phương.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Khánh Hòa cho biết, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là hơn 19.140 hộ (6,54%), trong đó 226 hộ tái nghèo bởi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 12. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn trên 15.000 hộ (4,95%). Qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 23 hộ tái nghèo, chủ yếu là các hộ có thành viên bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật hiểm nghèo, làm ăn thua lỗ.
Phan Sáu